Lãi suất hạ không kích động thị trường nhà đất
|
Hạ lãi suất cho vay mua nhà xuống 7-8%/năm được cho giải pháp hữu hiệu nhằm kích cầu cho thị trường bất động sản. Xong, dường như thông điệp này vẫn không thể tạo được niềm tin cho người mua nhà.
Vào thời điểm cuối tháng 12, Chính phủ và liên bộ Tài chính, Xây dựng, Ngân hàng nhà nước đã đồng loạt phát đi thông điệp nhằm phá băng thị trường bất động sản. Trong đó, đáng chú ý các gói giải pháp về tài chính, tiền tệ đã được những người đứng đầu ngành này đưa ra.
Tại buổi làm việc của Thủ tướng với UBND TP.HCM mới đây, thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, trong quý 2 và 3/2013, ngân hàng Nhà nước sẵn sàng cung ứng khoảng 40.000 tỉ đồng hỗ trợ người mua nhà với lãi suất hợp lý, khoảng 8% thời hạn 5 – 10 năm.
“Chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ cho các dự án phục vụ mục đích này, hoặc những dự án tiêu thụ được. Còn dự án nào, đối tượng như thế nào thì tôi đề nghị có sự tham gia của bộ ngành chức năng”, ông Bình nói.
Ngay sau khi thông điệp này được phát đi, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay mua nhà và hiện đang ở mức 11-12%/năm. Nếu mức cho vay này giảm xuống còn 7-8%/năm như tuyên bố của Ngân hàng nhà nước thì đây sẽ là tín hiệu vui cho những người đã và đang chuẩn bị vay tiền mua nhà.
Tuy nhiên, trước thực trạng này nhiều dự án bất động sản đang gặp khó khăn về tài chính như chậm triển khai, không có tiền trả nợ ngân hàng,… thì nhiều người đã không khỏi lo ngại khi quyết định vay tiền mua nhà vào lúc này, nhất là khi vay tiền để mua căn hộ tồn kho của những dự án đang gặp khó khăn về tài chính.
Theo chị Nguyễn Thanh Vân – người mua nhà cho biết, nếu ngân hàng nhà nước thực hiện được cam kết kéo mức lãi suất cho vay mua nhà xuống còn 7-8%/năm thì gia đình chị sẽ quyết định vay để mua nhà. Tuy nhiên, điều mà chị lo ngại là mức lãi suất trên sẽ được ổn định trong thời gian là bao lâu là điều vẫn chưa được các ngân hàng nói tới. Bởi nếu mức lãi suấy này chỉ cố định trong vài tháng rồi sau đó thả nổi theo thị trường như cách mà các ngân hàng thương mại đang áp dụng thì rủi ro vẫn rất cao cho người mua nhà nhất là khi lãi suất thả nổi đã có thời điểm lên tới 20%/năm khiến người mua nhà đã phải bán tháo nhà vì không có đủ tiền để trả lãi.
“Tôi cho rằng, mức lãi suất 7-8%/năm là hợp lý nhưng phải cố định mức lãi suất này trong vòng 1-2 năm. Chứ cứ 3-4 tháng lại điều chỉnh thì việc vay vốn ngân hàng là rất mạo hiểm” chị Vân nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia nhận định thì trong bối cảnh nhiều dự án chậm tiến độ, nhiều người mua nhà bị mắc kẹt trong những dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư khó khăn về tài chính thì chỉ những dự án sắp hoàn thành mới có cơ hội thanh khoản trong lúc này.
Còn những dự án mới bắt đầu triển khai, hoặc đang trong tình trạng làm móng sẽ ít được quan tâm hơn do thời gian hoàn thành lâu, rủi ro cao. Tuy nhiên, ngay cả khi tìm những dự án đã xong phần thô đi vào hoàn thiện thì người mua nhà vẫn không khỏi lo lắng. Bởi chưa có điều gì có thể đảm bảo khi người mua nhà vay tiền ngân hàng nộp cho chủ đầu tư thì chủ đầu tư sẽ dùng tiền đó để hoàn thiện nốt căn nhà chứ không phải thu tiền rồi mang trả nợ đối tác hay ngân hàng.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng dù hạ lãi suất vay, thị trường bất động sản cũng không ảnh hưởng nhiều vì vốn thị trường hiện chưa nhận được luồng tín dụng vào.
“Việc chúng ta dùng một quyết định hành chính để hạ lãi suất tín dụng tức là tác động vào một lãi suất mang tính kinh doanh, chúng ta sẽ thấy rằng hiệu quả ngay lập tức sẽ không cao. Nói cách khác, có khả năng dẫn tới người tiêu dùng không muốn gửi tiền tiết kiệm, dẫn tới giảm khả năng gửi tiền vào các ngân hàng thương mại”, ông Võ nhận định.
VanPhucGia.vn - Theo VnMedia