21/02/2011
Xây dựng đô thị về phía Nam, vùng đất yếu nhất TP: Đang được cân nhắc
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) giữa TP Rotterdam (Hà Lan) và TPHCM, Ban chỉ đạo thích ứng với BĐKH của TPHCM cùng các chuyên gia Hà Lan đang có một chương trình nghiên cứu dự kiến kéo dài khoảng 2 năm nhằm tìm ra hướng phát triển về phía Nam bền vững nhất cho TP.
Ngập nước do triều cường tại quận 7. Ảnh: Kim Ngân
|
Phát triển đô thị về hướng Nam, hướng ra biển Đông nhằm phát triển kinh tế biển là một chủ trương đúng đắn của TP và điều này cũng đã được khẳng định trong quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010.
Hiện nay, Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPS) - đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư đô thị cảng Hiệp Phước, đô thị trung tâm của vùng đất phía Nam đang phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc lập quy hoạch chi tiết 1/2000 cho đô thị này. Tuy nhiên, việc phát triển đô thị về hướng Nam, vùng đất yếu nhất của TP theo hình thái gì vẫn đang được các nhà khoa học cùng các nhà quản lý nghiên cứu.
Theo ông Đào Anh Kiệt, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo thích ứng với BĐKH TPHCM, chương trình hợp tác giữa Hà Lan và Việt Nam nhằm tìm ra hướng phát triển cho các đô thị ở phía Nam, đang ở trong giai đoạn lập dự án, chuẩn bị nhân sự. Tuy nhiên, bước đầu các chuyên gia Hà Lan và Việt Nam đã thống nhất về một số thách thức mà TPHCM cùng nhiều TP ven biển khác phải đối mặt là nước biển dâng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực bờ biển của TP.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Thường trực Ban chỉ đạo thích ứng với BĐKH TPHCM, hiện tại ở Rotterdam, một số người Hà Lan chọn cách xây nhà trên các phao nổi như là một giải pháp hữu hiệu thích ứng với hiện tượng nước biển dâng. Bên cạnh đó, cũng có một số khu vực làm đê ngăn nước biển cao để bảo vệ các khu dân cư bên trong.
|
Theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới, giai đoạn từ 2050-2100, nước biển sẽ dâng thêm 1m và khoảng 10% dân số của TP sẽ gặp khó, khoảng 8% diện tích đất canh tác lúa sẽ bị mất. Nước biển dâng cũng sẽ làm cho tình trạng xâm nhập mặn càng trầm trọng hơn, việc cung cấp nước ngọt sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nước ngọt khan hiếm có thể trở thành yếu tố trực tiếp kìm hãm sự phát triển kinh tế.
BĐKH cũng sẽ làm cho nhiệt độ TP gia tăng hơn nữa, dẫn đến cần nhu cầu năng lượng cao hơn để làm mát. “Tất cả những thách thức này sẽ được đưa vào nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan và Việt Nam trong thời gian tới”, ông Đào Anh Kiệt nói.
Thực ra, không phải đợi đến khi có các nhà khoa học Hà Lan giúp TPHCM việc phát triển đô thị về phía Nam mới được nghiên cứu. Tình trạng nền đất yếu ở đây đã được lưu ý ngay khi TPHCM có ý tưởng về một đô thị cảng ven biển. Với lớp đất bùn yếu ở khu Nam, nhiều nơi sâu tới 30-40m, đã từng được kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học xây dựng TPHCM, khuyến cáo là chi phí xây dựng sẽ rất cao. Đây thực sự sẽ là gánh nặng cho người dân và cả Nhà nước.
Đó là chưa kể đến tình huống nước biển dâng, nước mặn xâm nhập kèm theo hiện tượng ngập úng sẽ làm các công trình xây dựng mau hư hơn và chi phí để xử lý vấn đề này chắc chắn sẽ làm đội giá thành xây dựng lên rất nhiều.
Như vậy, mô hình xây dựng nào cho các đô thị phía Nam TP phát triển bền vững? Hãy chờ kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Hà Lan và Việt Nam.
Vanphucgia.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng