Làng đại học Thủ Đức, TPHCM:
Sinh viên khổ vì “cò” đất
Gần đây, khu vực giáp Nhà thi đấu đa năng
Đại học Khoa học xã hội & nhân văn (ĐHKHXH&NV) TP. Hồ Chí Minh rộ lên
việc mua bán đất đai. Hoạt động kinh doanh bất động sản ở đây diễn ra sôi động.
Chỉ có điều đất đem bán là của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí
Minh!
Chiếm đất cất nhà đem bán
Cách đây hơn một năm,
địa bàn trên là vùng đất trống, toàn cây, cỏ. Nhưng vài tháng gần đây, vùng đất
này trở thành khu dân cư mới, sôi động. Bắt đầu từ tháng 9-2009, hoạt động xây
dựng ở đây phát triển mạnh mẽ dù đã có thông tin đất ở đây là của Đại học Quốc
gia (nằm trong quy hoạch xây dựng Làng đại học Thủ Đức).
Để có thể xây
dựng một căn nhà hay dãy phòng trọ, những người vi phạm đã dùng đủ mọi thủ đoạn:
dựng các ngôi nhà tạm bợ bằng lá dừa và ván, tole đồng thời tranh thủ thời gian
nghỉ Tết Nguyên đán mua vật liệu xây dựng, huy động nhân công xây lén. Sau khi
xây xong, những ngôi nhà này được đem cho sinh viên thuê trọ cùng với bảng hiệu
rao bán.
Dãy
nhà trọ được xây dựng sau Tết Nguyên đán |
Ghi nhận tình hình mua bán đất ở đây, chúng
tôi thấy các ngôi nhà này đem bán qua tay rất nhiều chủ thông qua một tay “cò”,
gọi là bà Năm, thâu tóm mọi hoạt động buôn bán đất nơi đây. Bà Năm dẫn chúng tôi
đến nơi bán đất và nói rõ giá tiền từng lô. Theo đó, lô đất diện tích 5x15m giá
200 triệu đồng (trong đó có bốn phòng trọ xây sẵn), còn lô diện tích 9x15m giá
250 triệu đồng cùng với năm phòng trọ.
Ngoài ra, bà Năm còn chỉ ra bãi
đất trống gần đó nói: “Lô đó chưa xây dựng giá 40 triệu đồng” nhưng không nói rõ
diện tích bao nhiêu (vì là đất chiếm không có diện tích cụ thể). Khi được hỏi về
pháp lý khu đất này, bà Năm nói: “Khu đất này của cán bộ, nhân viên Đại học Quốc
gia, tôi mua lại từ năm 1997. Nếu giải tỏa sẽ được đền bù và tái định cư”. Nói
xong, bà rút trong tay tập hồ sơ, giấy tờ đất (nhưng chỉ là giấy photo, không có
xác nhận của chính quyền). Theo bà, để xây dựng và làm các giấy tờ liên quan như
giấy tạm trú - tạm vắng, sổ điện, nước... chỉ cần mất 400 đến 500 ngàn đồng là
xong.
Với những chiêu dụ như vậy, không ít người đã cầm trên tay giấy tờ
sử dụng đất mà không biết đất của mình sắp bị giải tỏa. Chị N.T.A nói với chúng
tôi: “Vợ chồng em bán hết ruộng vườn ở quê lên thành phố mua đất, tưởng mua được
đất rẻ nào ngờ mua phải đất quy hoạch”. Chị A. nói tiếp: “Em mua lô đất gồm bốn
phòng trọ với giá 120 triệu đồng, không biết sắp tới giải tỏa có được đền bù gì
không vì phần lớn giấy tờ đất là giấy viết tay không có sổ đỏ”. Được biết, sau
khi mua phải những lô đất như vậy, một số nhà chủ tiếp tục môi giới để lừa gạt,
bán lại đất.
Chúng tôi đến nhà anh Q. gần đó hỏi mua nhà, anh ta nói:
“Gia đình tôi sinh sống ở đây đã được 7, 8 năm, nay muốn bán ngôi nhà này về quê
sống vì ở đó tiện chăm sóc cha mẹ già”. Trong khi đó, sinh viên N.V.M trường
ĐHKHXH&NV nói: “Căn nhà đó mới xây trong Tết, anh Q. cũng mới chuyển đến ở
trước Tết, làm sao đã ở được 7, 8 năm!”. Như vậy, các tay “cò” và chủ nhà đã
dùng nhiều thủ đoạn để thu hút, thuyết phục khách mua đất.
Sinh viên
lo
Theo phản ánh của những sinh viên sống trong địa bàn cho biết,
hàng ngày có nhiều người qua lại hỏi mua, bán đất. Sinh viên Nguyễn Văn Minh
(Trường ĐHKHXH&NV) bức xúc kể lại: “Trước Tết, đang ở, bỗng nhiên chủ trọ
yêu cầu chúng em đi trọ nơi khác trong khi chúng em đã đóng tiền phòng cả năm”.
Minh kể tiếp: “Có khi đang ngồi học thấy một đám người kéo nhau đến dòm ngó
phòng trọ của mình thật khó chịu”. Sinh viên Dũng (trường Nông Lâm) kể câu
chuyện khôi hài: “Chúng em vừa đi học về, thấy một số người mua đồ về cúng trước
phòng trọ, giật mình hỏi ra mới biết họ cúng vì mua được nhà mới”.
Các
bạn sinh viên xa nhà chỉ mong tìm được chỗ ở ổn định để yên tâm học tập. Nay
hiện trạng mua bán đất bất hợp pháp cùng với tình hình an ninh bất ổn như vậy
làm sao học được?
Tình trạng mua bán đất xảy ra từ trước Tết nhưng không
có sự can thiệp của chính quyền địa phương. Nếu sự việc này vẫn tiếp tục tái
diễn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lí của các sinh viên.
Vanphucgia.vn - Theo Công An TP