Giải pháp hoàn vốn cầu Sài Gòn 2 ?
Cầu Sài Gòn hiện hữu đang quá tải, trong khi
dự án xây cầu Sài Gòn 2 lại vướng phương án hoàn vốn.
Cầu Sài Gòn
hiện hữu đã được cơ quan chức năng báo động tình trạng xuống cấp và quá tải
trong nhiều năm nay. Dự án cầu Sài Gòn 2 dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm nay
nhằm mục đích chia tải để “cứu” cầu Sài Gòn hiện hữu.
Thế nhưng điều đang
làm Sở GTVT và chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần BOT (xây dựng - kinh doanh -
chuyển giao) cầu Phú Mỹ (PMC) đau đầu chính là chuyện chưa giải được bài toán
phương án hoàn vốn khi xây cây cầu này theo hình thức BOT.
Cầu Sài Gòn hiện hữu đang quá tải. Ảnh: Tấn
Thanh. |
Xa lộ Hà Nội “cõng” thêm phí cầu Sài Gòn
2
Theo Sở GTVT, cầu Sài Gòn 2 sẽ chia tải cho cầu Sài Gòn hiện hữu,
nhất là sau khi xa lộ Hà Nội được mở rộng từ 113,5 m – 153,5 m vào năm 2012. Đi
từ nút giao Hàng Xanh ra, cầu Sài Gòn 2 sẽ nằm bên phải cầu Sài Gòn hiện hữu,
lan can cầu mới cách lan can cầu cũ 3 m.
Theo thiết kế, cầu Sài Gòn 2 có
tổng chiều dài 1.518 m, phần cầu dài 995 m, bề rộng cầu 23,5 m tương đương 6 làn
xe. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.872 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Thành Thái, Tổng
Giám đốc PMC, cho biết dự án cầu Sài Gòn 2 được đầu tư theo hình thức BOT nên
chắc chắn đơn vị này sẽ phải thu phí giao thông trên xa lộ Hà Nội để hoàn
vốn.
Thế nhưng hiện tại Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP (CII)
đang thu phí giao thông trên xa lộ Hà Nội để hoàn vốn cho 3 dự án: đường Điện
Biên Phủ, cầu Rạch Chiếc, mở rộng xa lộ Hà Nội, dự kiến đến năm 2045 mới
xong.
Câu hỏi đặt ra là liệu các phương tiện giao thông khi lưu thông
trên xa lộ Hà Nội có phải mua thêm một lần phí nữa khi sử dụng cầu Sài Gòn 2?
Ông Thái khẳng định sẽ không có chuyện tận thu, người dân sẽ chỉ đóng một lần
phí khi lưu thông trên xa lộ Hà Nội, còn việc thu phí hoàn vốn cho cầu Sài Gòn 2
là điều chắc chắn phải làm nhưng làm thế nào đang chờ TP quyết.
Phối cảnh cầu Sài Gòn
2 |
“Treo” phương án hoàn vốn
Đầu
tháng 4-2010, PMC đã có văn bản gửi Sở GTVT trong đó nêu rõ lãnh đạo CII đã
thống nhất về chuyện thu phí trên xa lộ Hà Nội. Cụ thể, PMC sẽ thu phí một chiều
ra và CII thu phí một chiều vào.
Theo PMC, vì không được lập trạm thu phí
mới, không thay đổi hình thức đầu tư nên việc chia nhau thu phí là một hướng
giải quyết để hoàn vốn cho cầu Sài Gòn 2.
Thế nhưng trao đổi với chúng
tôi, phía CII khẳng định chưa từng có buổi làm việc nào với PMC và cũng không có
cơ sở để phối hợp thu phí với PMC trên xa lộ Hà Nội.
Theo tính toán của
CII, từ nay đến năm 2045, trạm thu phí xa lộ Hà Nội không có khả năng gánh thêm
nhiệm vụ thu phí hoàn vốn cho bất kỳ dự án nào khác.
Hiện nay tình hình
lãi suất vay đang biến động, nên phương án tài chính đã tạm tính trên hợp đồng
hiện đang gặp nhiều khó khăn. Cũng cần nói thêm, trước đây CII đã không chắc có
thể thu phí giao thông hoàn vốn cho dự án mở rộng xa lộ Hà Nội vì số vốn đầu tư
cho dự án này quá lớn, lên đến 2.287 tỉ đồng, vả lại lúc đó trạm thu phí xa lộ
Hà Nội đã phải làm nhiệm vụ thu phí hoàn vốn cho dự án đường Điện Biên Phủ và
cầu Rạch Chiếc đến hết năm 2025.
Cũng chính vì đau đầu với phương án hoàn
vốn của cầu Sài Gòn 2 nên trước đây, nhiều chuyên gia cho rằng nên đầu tư cầu
Sài Gòn 2 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) cho khỏi rối rắm nhưng vì
lý do không đủ tiền đầu tư nên UBND TP đồng ý với PMC, cho phép BOT cây cầu
này.
Hiện nay, tổ đàm phán hợp đồng BOT cầu Sài Gòn 2 đang tập trung đàm
phán những nội dung khác, còn phương án hoàn vốn thì chờ UBND TP quyết định cụ
thể.
Trạm thu phí bao vây cửa ngõ TP
Hiện
nay, ngoài cửa ngõ Tây Bắc (hướng từ Hóc Môn, Củ Chi vào trung tâm TP theo đường
Cộng Hòa, Trường Chinh) là không có trạm thu phí. Tất cả các hướng vào TPHCM đều
có trạm thu phí án ngữ.
Cụ thể, phương tiện đi từ miền Tây theo Quốc lộ
1A rẽ vào đường Nguyễn Văn Linh sẽ bị thu phí, sau đó qua cầu Phú Mỹ tiếp tục bị
thu phí lần nữa. Cửa ngõ phía Đông Bắc là xa lộ Hà Nội cũng có trạm thu phí xa
lộ Hà Nội.
Hướng đi Bình Dương, Bình Phước theo Quốc lộ 13 cũng đóng phí
ở trạm thu phí đặt ngay cầu Bình Triệu mới (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ
Đức).
Vanphucgia.vn - Theo Người Lao Động