Long đong các dự án bất động sản ở Hà
Nội
(Ảnh:
Doanh nhân) |
Câu chuyện dài về số phận các dự án đầu tư,
đồ án quy hoạch ở Hà Nội vẫn tiếp tục với những thăng trầm khiến kẻ vui, người
buồn.
Khởi đầu từ giữa năm 2008, trước khi Hà Nội chính thức mở rộng
địa giới hành chính, cuộc “đại phẫu” để quyết định việc “đi” hay “ở” của gần 800
dự án đầu tư, đồ án quy hoạch - trong đó đa phần thuộc lĩnh vực bất động sản -
tại Hà Nội vẫn chưa thể kết thúc.
Người “lên,” kẻ
“xuống”
Liên quan tới đề xuất hướng xử lý 244 đồ án quy hoạch, dự án
đầu tư trên địa bàn Hà Nội (trong đó có 143 đã nộp hồ sơ, 101 còn nợ hồ sơ), đầu
tháng Ba, thành phố đã đề nghị Bộ Xây dựng thống nhất cho phép 50 đồ án, dự án
(xếp loại 1) được tiếp tục triển khai, không phải làm thủ tục điều chỉnh quy
hoạch, khớp nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Loại 2 - chiếm số lượng
nhiều nhất - gồm 87 dự án, đồ án phải điều chỉnh quy hoạch, khớp nối hạ tầng kỹ
thuật, xã hội trước khi thực hiện các thủ tục tiếp theo.
Loại 3 gồm 6 dự
án, đồ án không nằm trong phạm vi phát triển đô thị, công nghiệp, hoặc bị ảnh
hưởng bởi trục Thăng Long và trong phạm vi vành đai xanh theo đồ án quy hoạch
xây dựng chung thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng lại không hoàn toàn
thống nhất với đề nghị của Hà Nội.
Tại văn bản gửi Hà Nội mới đây, Thứ
trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn nêu quan điểm, đối với 50 đồ án, dự án mà Hà
Nội đã xếp loại 1, Bộ Xây dựng chỉ thống nhất cho triển khai 42 đồ án, dự
án.
Đối với 8 dự án còn lại, trong đó, có một số dự án bất động sản như
Khu đô thị mới Cầu Bươu (Thanh Trì), Khu nhà ở xã Đại Mỗ (Từ Liêm)... do chưa có
hồ sơ, lại nằm trong vành đai xanh dọc sông Nhuệ và trục Thăng Long, chức năng
không còn phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội nên Bộ
Xây dựng đề nghị tạm dừng, chưa xem xét.
Ngay trong số 42 đồ án, dự án
cho “đi” tiếp, cũng sẽ phải bổ sung nhiều thủ tục, cụ thể là Bộ Xây dựng đề nghị
Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn chủ đầu tư điều chỉnh cục bộ về không
gian, khớp nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực và phù
hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội.
Vẫn công văn
nêu trên, nhấn mạnh: “Chẳng hạn, dự án Khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông, cần
giảm mật độ xây dựng, giảm quy mô dân số, tăng diện tích cây xanh - bãi đỗ xe
đảm bảo phù hợp với định hướng tổ chức không gian khu vực vành đai 3 - vành đai
4 dự kiến khuyến khích phát triển xây dựng cao tầng.”
Với 87 đồ án, dự án
loại 2, Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của Hà Nội, song lại lưu ý “cần rà
soát kỹ một số đồ án, dự án có thể đưa được lên loại 1 để triển khai
sớm.”
Bộ Xây dựng cũng khuyến cáo Hà Nội, trong quá trình rà soát, đánh
giá dự án, đồ án, thành phố cần xem xét, cân đối về số lượng các dự án phát
triển đô thị, công trình y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa... đảm bảo phân bố hợp
lý, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội, tránh tình
trạng tập trung nhiều dự án có cùng chức năng ở cùng một khu vực.
Cuộc
“tháo chạy” quy mô lớn của nhà đầu tư?
Đối với 101 đồ án, dự án chủ
đầu tư chưa nộp hồ sơ quy hoạch cho Hà Nội, đến nay, vẫn chưa rõ lý do thực sự
khiến các doanh nghiệp chậm trễ nộp hồ sơ. Có người cho rằng, hồ sơ quy hoạch
của các dự án này có vấn đề nên nhà đầu tư cố tình che giấu.
Người khác
lại cho rằng, do cùng với việc nộp hồ sơ, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện các
nghĩa vụ tài chính liên quan tới dự án với Nhà nước nên họ tìm cách trốn tránh.
Luồng dư luận thứ hai dường như có lý hơn, bởi với gần 800 dự án lớn, trong đó
bất động sản chiếm đa số, Hà Nội sau mở rộng đã “bội thực” dự án phát triển đô
thị.
Nếu thị trường sôi động thì không sao, nhưng hiện nay thị trường lại
ảm đạm nên nhiều nhà đầu tư chần chừ, muốn “bỏ của chạy lấy người.”
Về
các dự án, đồ án này, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội
Phí Thái Bình cho biết sẽ tiếp tục thông báo trên các phương tiện thông tin đại
chúng và có văn bản gửi trực tiếp cho chủ đầu tư để yêu cầu tiếp tục cung cấp hồ
sơ cho tổ công tác rà soát, khớp nối hạ tầng kỹ thuật.
Nếu sau 30 ngày
chủ đầu tư nào không nộp hồ sơ, Hà Nội sẽ thu hồi dự án để giao cho doanh nghiệp
khác có đủ năng lực thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn
đồng ý với hướng xử lý như trên của Hà Nội. Như vậy, cánh cửa lớn vẫn chưa khép
hẳn lại với nhà đầu tư. Thời gian ngắn sắp tới sẽ chứng minh, liệu có diễn ra
cuộc “tháo chạy” quy mô lớn của các nhà đầu tư bất động sản khỏi Hà Nội hay
không.
Điệp khúc... chờ
Chưa biết hiệu quả ra sao, song ở
thời điểm này, câu chuyện rà soát các dự án đầu tư, đồ án quy hoạch ở Hà Nội mở
rộng đã đủ khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy ngán ngẩm.
Còn nhớ, từ tháng
9/2009, Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho phép hơn 240 đồ án quy hoạch, dự
án đầu tư xây dựng với tổng diện tích hơn 9.500ha đất trong khu vực từ vành đai
III đến sông Đáy được tiếp tục triển khai (đợt 1) như chính đề nghị của Ủy ban
Nhân dân thành phố Hà Nội, với sự tham gia góp ý của Bộ Xây dựng.
Phó Thủ
tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo rõ: “Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội
phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu điều chỉnh, khớp nối các dự án bảo đảm đúng
tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm quy hoạch, đồng bộ hạ tầng, sử dụng đất tiết
kiệm, có hiệu quả và triển khai thực hiện các dự án nêu trên theo đúng quy định
hiện hành, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị và phù hợp với quy hoạch Hà Nội mở
rộng.”
Giờ đây, khi lại có độ “vênh” về quan điểm giữa Bộ Xây dựng và
thành phố, có lẽ, Chính phủ sẽ lại một lần nữa phải vào cuộc để phân
xử.
Như vậy, sau gần hai năm rà soát, ngay các dự án “loại 1” cũng chưa
thể hoàn toàn yên tâm tiếp tục triển khai, nói gì loại 2, loại 3...
Cũng
chưa rõ quá trình “cân đong, đo đếm” của Bộ Xây dựng, Ủy ban Nhân dân thành phố
Hà Nội sẽ còn kéo dài bao lâu. Song, nếu cơ quan nhà nước cứ duy trì cung cách
làm việc quá “cẩn trọng” như vừa qua, các nhà đầu tư của hơn 500 dự án còn lại
vẫn phải chờ dài cổ.
Vanphucgia.vn - Theo Doanh Nhân/Vietnam+