Vốn cho đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Có thể hơn
55,853 tỷ USD
Một
đoàn tàu Shinkansen của Nhật Bản. |
"55,853 tỷ USD là con số được tính ở thời
điểm năm 2008, đến khi triển khai chắc chắn là tổng mức đầu tư sẽ cao hơn rất
nhiều", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền lo ngại khi Ủy ban Thường vụ Quốc
hội cho ý kiến về Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Tp.HCM chiều
17/4.
Đây là dự án quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội xem xét,
quyết định chủ trương đầu tư.
35,6 triệu USD/km
Theo tờ
trình, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án tại kỳ
họp thứ bảy với nhiệm vụ chuyên chở hành khách trên tuyến Hà Nội – Tp.HCM,
chủ đầu tư là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Tuyến đường sắt cao tốc
này sẽ được xây dựng mới với tốc độ khai thác 300 km/h (vận tốc thiết kế = 350
km/h), đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hoá; công nghệ động lực phân tán – EMU
(đoàn tàu Shinkansen của Nhật Bản).
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án
là 55,853 tỷ USD (khoảng 35,6 triệu USD/km). Dự kiến dự án bắt đầu thiết kế
xây dựng vào năm 2012 và hoàn thành toàn tuyến vào 2035.
Tổng số nhu
cầu sử dụng đất của dự án là 4.170 ha, trong đó 383,7ha là đất ở khu
dân cư tại vùng đô thị, 813,1ha là đất ở khu dân cư vùng nông thôn,
1.589,3ha là đất nông nghiệp và 1.383,9ha là đất rừng.
Với chiều
dài 1.570 km, tuyến đường sẽ đi qua 20 tỉnh thành, xây dựng 27 ga, trong đó 25
ga dọc tuyến và 2 ga đầu cuối.
Theo tính toán của Chính phủ, nếu không
xây dựng đường sắt cao tốc thì nhu cầu vận tải hành khách trên hành lang Bắc -
Nam đến năm 2030 sẽ vượt năng lực của các loại hình vận tải là 57 triệu hành
khách/năm, tương đương 156.000 hành khách/ngày.
Bao nhiêu năm sẽ hoàn
vốn?
Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi
trường đánh giá Dự án mới được nhìn nhận ở giá trị trực tiếp mà chưa phân tích
sâu tới tác động đối với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội
nhập trong khu vực.
“Vì Dự án đòi hỏi vốn đầu tư quá lớn nên hiệu quả tài
chính của dự án không cao”, Chủ nhiệm Đặng Vũ Minh nhấn mạnh. Con số để minh
chứng là ở phương án cơ sở, khi áp dụng chính sách giá vé 3 (bằng 75% giá vé máy
bay) thì chỉ số nội hoàn tài chính (FIRR) cũng chỉ đạt 2,4 - 3%.
Cũng
theo cơ quan thẩm tra, chi phí tư vấn dự án tới 3.830 triệu USD (chiếm 6,8%),
chi phí dự phòng tới 7.285 triệu USD, chiếm 13% so với tổng mức đầu tư là hơi
cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền phân tích, đến năm 2020 thì hệ
thống giao thông đã được cải thiện nhiều. Vì vậy cần tính toán kỹ hơn chứ không
thể chỉ tính đến số hành khách vượt quá năng lực vận chuyển là bao
nhiêu.
Vốn là vấn đề rất là quan trọng nên cần tính toán thật kỹ về tính
khả thi. 55,853 tỷ USD là con số được tính ở thời điểm năm 2008, đến khi triển
khai chắc chắn là tổng mức đầu tư sẽ cao hơn rất nhiều, ông Hiền lo
ngại.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng nêu lên thực tế lâu nay
các công trình quan trọng quốc gia đều phải tăng vốn gấp rưỡi, thậm chí có công
trình không quyết toán nổi.
Chủ tịch Hội đồng dân tộcKsor Phước “phân vân
nhất là vốn”. Bởi thời điểm triển khai dự án này thì đất nước cũng cần nguồn lực
rất lớn cho nhiều công trình khác. Lộ trình thực hiện như thế nào, thời gian nào
hoàn vốn được thì phải báo cáo rõ với Quốc hội, ông đề nghị.
Bộ trưởng Bộ
Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng trả lời, hoàn vốn cho hạ tầng rất khó, còn hoàn
vốn đầu tư về phương tiện thì cần khoảng 12 năm. “Rất lo về vốn” nhưng Bộ trưởng
cũng cho hay hiện chưa có cam kết nào về vốn vì cần có dự án thì mới thảo luận
vấn đề này được. Ông cũng tha thiết đề nghị được Quốc hội quyết về chủ trương
đầu tư tại kỳ họp được khai mạc vào tháng 5 tới, nếu không thì “sẽ
chậm”.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho rằng, để thông qua
chủ trương thì lý lẽ phải thuyết phục. “Bộ trưởng nói 12 năm thu hồi vốn nhưng
vốn cho đầu tư phương tiện chỉ chiếm 45% thì điều đó không thuyết phục, phải thu
hồi cả 55,853 tỷ”.
Tán thành với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội dự
án này, song Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị chưa quyết định cụ
thể tại kỳ họp thứ bảy, để các đại biểu Quốc hội có thêm thời gian nghiên
cứu.
Tuy nhiên, kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn
Đức Kiên đề nghị Chính phủ chuẩn bị thông tin kỹ hơn để trình Quốc hội xem xét,
quyết định chủ trương đầu tư ngay tại kỳ họp thứ bảy (được khai mạc vào ngày
20/5 tới).
Vanphucgia.vn - Theo VnEconomy