Phục hồi nhưng không bền vững
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Chính phủ, năm 2010, thị trường BĐS đang trên đà hồi phục nhanh, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.
Năm 2010, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đã bớt khó khăn so với năm 2009. Đặc biệt, tại Hà Nội có thời điểm cũng xảy ra những “cơn sốt” ngắn, nhất là với phân khúc thị trường nhà ở giá trung bình, diện tích nhỏ và có tính thanh khoản cao. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, thị trường BĐS đã phục hồi nhưng vẫn phát triển thiếu ổn định, không bền vững. Biểu hiện là giá cả hàng hóa BĐS nhất là giá nhà ở vẫn tăng và đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đang là thách thức lớn cho công tác quản lý thị trường, cũng như nỗ lực giải quyết nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp.
Theo kết quả khảo sát thực tế, giá BĐS nói chung, trong đó giá nhà ở nói riêng tại các đô thị lớn là quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, mức độ phát triển của nền kinh tế nước ta, cũng như vượt quá xa giá trị thực của BĐS.
Giá cả bất động biến động không đồng đều giữa các địa phương. Nếu thị trường BĐS ở 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM có biến động mạnh thì thị trường BĐS tại các thành phố khác không có biến động đáng kể. Ở khu vực Hà Nội tại thời điểm quý II/2010 giá đất nền tăng trung bình 30% so với tháng 12/2009, đặc biệt tại khu vực phía Tây thành phố (Quận Hà Đông, huyện Hoài Đức), giá cả căn hộ chung cư không tăng nhưng vẫn đứng ở mức cao, trong khi giá BĐS (đất nền, căn hộ chung cư) tại khu vực TP.HCM hầu như không tăng, giao dịch chậm.
Ngoài ra, tiến độ triển khai các dự án BĐS vẫn chậm mặc dù cơ chế chính sách đã được tháo gỡ, thủ tục hành chính được đơn giản hóa và công khai cho mọi người dân nhưng tốc độ triển khai các dự án BĐS vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là khâu đền bù giải phóng mặt bằng do chính sách liên tục thay đổi.
Bên cạnh đó, hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện, trong khi thị trường BĐS phụ thuộc lớn vào động thái của chính sách tiền tệ, tín dụng.
Cần thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở
Theo Bộ Xây dựng, thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, giá cả hợp lý sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để thị trường BĐS phát triển bền vững, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ một số giải pháp như: Cần sớm xây dựng hệ thống tài chính phát triển thị trường BĐS, đặc biệt là hệ thống tài chính cho phát triển nhà ở hoàn chỉnh. Về lâu dài cần thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà. Đồng thời nghiên cứu thí điểm thành lập Cơ quan tái tài trợ thế chấp và mô hình Quỹ đầu tư tín thác BĐS để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường BĐS.
Đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, tăng nguồn cung cho thị trường. Nâng cao chất lượng và tính ổn định, tầm nhìn chiến lược cho các quy hoạch, kể cả quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch ngành làm cơ sở cho thị trường BĐS phát triển.
Thiết lập hệ thống thông tin về thị trường BĐS thống nhất từ Trung ương tới địa phương, với kỷ luật và chế độ báo cáo nghiêm túc, tập trung, đầy đủ, kịp thời, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, điều chỉnh thị trường BĐS một cách khoa học, đồng thời góp phần công khai minh bạch hoá thị trường BĐS.
Vanphucgia.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp