28/09/2010
Tiết kiệm gần 1.500 tỷ đồng mỗi năm từ cải cách thủ tục nhà ở
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo giám sát về cải cách thủ tục hành chính. |
Trong lĩnh vực nhà ở, xây dựng nhà ở, Bộ Xây dựng đã kiến nghị bãi bỏ 3 thủ tục và sửa đổi, bổ sung 13 thủ tục
Việc đơn giản hóa 16 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nhà ở, xây dựng nhà ở dự kiến sẽ tiết kiệm được 1.481 tỷ đồng/năm.
Thông tin này được đưa ra tại báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, thuế và hải quan, gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 28/9.
Việc rà soát thủ tục hành chính trong các lĩnh vực nói trên được tiến hành trong bối cảnh chung của đề án 30, theo dự kiến sẽ tiết kiệm từ hàng chục đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, và giảm không ít phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
65% thủ tục về đất đai được sửa đổi
Chính phủ dự kiến, trong số 66 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung 43 thủ tục, đạt tỷ lệ đơn giản hóa 65%.
Những cải cách nổi bật trong lĩnh vực đất đai, theo Chính phủ, thể hiện ở nội dung cải cách thủ tục hành chính trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất bằng cách lồng ghép các thủ tục đầu tư, xây dựng với các thủ tục về đất đai; thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận về quyền sử dụng, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tạo điều kiện cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản chỉ phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận hoặc đăng ký biến động một lần tại một cơ quan…
Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hóa đối với các thủ tục về đăng ký chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất… theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, báo cáo nêu rõ.
Lợi ích của việc đơn giản hóa 43 thủ tục thuộc lĩnh vực đất đai dự kiến tiết kiệm được 10 tỷ đồng/năm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Song, để thực thi các phương án đơn giản hóa của 43 thủ tục này, sẽ phải sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục hành chính ở Luật Đất đai và các nghị định, thông tư liên quan.
100% thủ tục về nhà ở được đơn giản hóa
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, trong 16 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nhà ở, xây dựng nhà ở, Bộ Xây dựng đã kiến nghị bãi bỏ 3 thủ tục và sửa đổi, bổ sung 13 thủ tục, đạt tỷ lệ đơn giản hóa 100%.
Các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực này tập trung vào sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng rõ ràng hơn về trình tự, cách thức thực hiện, về quyền và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, của cá nhân, tổ chức và kết quả thực hiện các thủ tục hành chính. Cụ thể là bãi bỏ quy định về thu phí xây dựng, bãi bỏ quy định về “thời hạn có hiệu lực khởi công” của giấy phép xây dựng, qua đó bãi bỏ nhóm thủ tục về gia hạn cấp giấy phép xây dựng, đã cắt giảm tối đa chi phí tuân thủ cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện nhóm thủ này….
Các dự án phát triển nhà ở theo nguồn vốn đầu tư cũng được đơn giản hóa thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng để chủ đầu tư nhận được kết quả cuối cùng là quyết định phê duyệt…
Việc đơn giản 16 thủ tục thuộc lĩnh vực nhà ở, xây dựng nhà ở, theo dự kiến của Chính phủ sẽ tiết kiệm được 1.481 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, để thực thi các phương án đơn giản hóa dự kiến sẽ phải sửa Pháp lệnh về phí, lệ phí ban hành năm 2001 cùng 2 nghị định và 3 thông tư liên quan.
Vẫn "chưa đạt yêu cầu"
Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 -2010 của Đoàn giám sát trình Ủy ban Thường vụ chiều nay cũng đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong công tác này.
Song, theo nhận định của Đoàn giám sát, chương trình tổng thể về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ đã được triển khai thực hiện trong thời gian dài, nhưng “nhìn chung vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra”.
Còn không ít thủ tục thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng nhà ở còn phức tạp, chưa thật thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Công tác tiếp nhận phản ánh kiến nghị về thủ tục hành chính còn hạn chế dẫn đến nhiều thủ tục hành chính không phù hợp với yêu cầu quản lý chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Đặc biệt, kết quả giám sát đã cho thấy, tình trạng cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực tham nhũng trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính vẫn còn phổ biến.
Đây là một trong những nguyên nhân làm cho mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về công tác cải cách thủ tục hành chính chưa cao, báo cáo giám sát nhấn mạnh.
Một trong những nguyên nhân của những hạn chế được đoàn giám sát chỉ ra là cải cách hành chính gặp trở ngại không nhỏ bởi những thói quen quản lý theo cơ chế xin - cho và cũng đụng chạm đến lợi ích cục bô của nhiều cơ quan và của cán bộ, công chức.
Liên quan đến các lĩnh vực cụ thể, đoàn giám sát đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan ban hành văn bản bãi bỏ 13 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 113 thủ tục; giảm hồ sơ giấy tờ 32 thủ tục và giảm thời gian giải quyết 18 thủ tục hành chính.
Chiều nay (28/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát này, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Vanphucgia.vn - Theo VnEconomy