29/09/2010
Nghe “cò” nhà đất kể chuyện... làm ăn
Gần 2 tháng nay, giới “cò” đất dường như đang rơi vào những thời khắc khó khăn trong nghiệp làm ăn của mình.
Điều này cũng không quá khó hiểu, bởi Nghị định 71 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Nhà ở được cho là có khá nhiều thông thoáng cho thị trường bất động sản, song kèm với đó nghị định cũng có không ít điều khoản nhằm đưa hoạt động giao dịch trên thị trường vào khuôn phép.
Chính điều này đã khiến các “cò” tỏ ra chán nản bởi thực tế, nó đã đụng đến “miếng cơm manh áo” của đa phần đang sống bằng nghề này.
Ảnh: Đức Long
|
Nhớ thời hoàng kim
Từ khi nền kinh tế bắt đầu chuyển sang cơ chế thị trường, người dân đã dần quen với khái niệm “cò” mỗi khi một hàng hóa trên thị trường xảy ra tình trạng thiếu cung hoặc thiếu cầu. Với lĩnh vực đất đai, nhà cửa, khái niệm “cò” lại có phần phổ biến hơn và được xã hội chấp nhận như một phần tất yếu của các hoạt động mua bán trên thị trường.
Trong suốt thời gian đó, hầu hết các giao dịch dù thành công hay không cũng đều dính dáng ít nhiều đến vai trò của các “cò” nhà, đất. Họ chính là những nhân viên môi giới, tư vấn của các trung tâm nhà đất, các sàn giao dịch bất động sản và thậm chí là cả những cán bộ của các tổng lớn trong ngành xây dựng, bất động sản.
Khi nói về một thời hoàng kim của mình, anh Nguyễn Văn Hưng, một “cò” đất chuyên nghiệp đã có một thời gian là nhân viên môi giới đắc lực của sàn giao dịch Hadinco tiếc nuối: “chưa bao giờ làm ăn lại khó khăn như bây giờ. Chỉ cách đây đúng 1 năm, tức là vào khoảng tháng 8, tháng 9 năm ngoái, khi mà thị trường chung cư Hà Nội đang vào giai đoạn sốt nóng, người người đua nhau mua chung cư để ở, để lướt sóng.
Đó cũng chính là những quãng thời gian hoàng kim nhất của đội quân “cò” nhà, đất. Với những “cò” có tổ chức, tức là thuộc nhân sự của các sàn giao dịch bất động sản lớn hoặc các doanh nghiệp bất động sản, họ thỏa sức lựa chọn người đặt giá mua cao, thậm chí là có thể từ chối tiếp khách nếu như cảm thấy chưa phải thời điểm xả hàng.
Đối với những dự án sinh ra trò bốc thăm phiếu đăng ký góp vốn hay mua căn hộ, mảnh đất thì đội quân này chính là những lực lượng tham gia tích cực nhất để khuấy động thị trường và lôi kéo khách hàng ném tiền không tiếc tay.
Theo “cò” Hưng, chỉ cần có được một vài phiếu rút thăm hoặc một số địa chỉ cần bán nhà, đất thì thu nhập trong tháng đó của các cò không dưới 100 triệu đồng/tháng.
Còn với một tay “cò” có thâm niên như Hiếu (sàn giao dịch Bất động sản Gia Nam, Từ Liêm, Hà Nội) thì việc kiếm vài trăm triệu mỗi tháng vào giai đoạn sốt đất là chuyện dễ như bóc bánh để ăn. “Cò” Hiếu nhớ lại, có những đêm vừa về đến nhà, chưa kịp đặt lưng nằm nghỉ, nghe “đồng nghiệp” gọi điện báo sáng mai tại huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) có đấu giá đất thế là ngay lập tức gọi taxi phi thẳng xuống Hải Phòng ngay trong đêm.
Tại các cuộc đấu giá đất như vậy, sau khi đã thỏa thuận ngầm với các đồng nghiệp từ Hà Nội xuống cùng các thổ địa của đất Cảng, các cò này thả sức hét giá đấu để cho những người có nhu cầu thực phải bám theo.
Tuy nhiên, rốt cuộc các “cò” này đã “bỏ của chạy lấy người” và kết quả là người nào mua được giá đó phải chi lại quả cho các cò bỏ cuộc đó ít thì vài ba chục triệu, nhiều có khi cả trăm triệu cho một lô đất vì đã “tốt bụng” nhường cho người thắng cuộc.
“Cò” Hiếu cho biết, cứ mỗi cuộc lâm trận đấu giá đất như vậy, sau khi chia năm sẻ bảy, mỗi cò cũng bỏ túi được từ 5 - 10 triệu, nhưng đáng nói ở chỗ là được nhân lên theo số lượng các đợt đấu giá đất trên địa bàn quận, huyện trong tháng đó. Nếu may mắn, số tiền mà “cò” Hiếu mang về nộp cho vợ sau mỗi chuyến “công tác” ít nhất cũng 30 - 50 triệu đồng.
Thế mới biết, giờ đây thị trường bất động sản trầm lắng, người mua ít, người bán cũng e dè, nên việc các cò nuối tiếc một thời hoàng kim là chuyện dễ hiểu. Hiếu hy vọng, từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ dần khởi sắc, người dân bắt đầu đổ tiền vào nhà, đất thay cho những kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng đang diễn biến khó lường, những cò như Hiếu lại có cơ hội “bắt tôm bắt tép” sau một thời gian ngồi co gối, cám cảnh làm ăn.
“Cò” sập bẫy... “cò”
Bên cạnh một bộ phận cò hoạt động theo kiểu “tay không bắt giặc”, có một lực lượng không nhỏ là thuộc dạng làm ăn lớn. Nghĩa là, ngoài “chuyên môn” chính là “cò” trong các phi vụ mua, bán, trao đổi đất đai giữa người mua người bán. Đội quân này nhờ có một số vốn tương đối khá hoặc hùn nhau góp vốn nên họ có thể trực tiếp tham gia các vụ mua bán các căn hộ chung cư hoặc các lô đất mà mình săn được.
Điều đáng nói, ở Hà Nội và các thành phố lớn, số này cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể trong giới đầu cơ nhà, đất. Trong khoảng từ năm 2006 đến cuối năm 2009, bằng kinh nghiệm cộng với các mối quan hệ, đội quân “cò” này đã góp phần thao túng thị trường bất động sản, tạo nên những cơn sốt ảo trên thị trường bất động sản tại Hà Nội và các cùng lân cận.
Tất nhiên, chiến lợi phẩm mà những cò này thu về sau một đợt tạo sóng cũng không hề nhỏ. Trịnh Duy Khánh, một tay môi giới chuyên nghiệp được xếp vào hàng anh chị ở các khu như An Khánh, Vân Canh, Văn Phú... tâm sự: “không ngờ cái nghiệp đất cát nó cũng bạc bẽo thế. Chả nói đâu xa, cách đây chưa đầy 5 tháng, trong tay tôi vẫn còn có cả 5 tỷ đồng, thế nhưng vì thiếu tính toán, số tiền đó giờ chỉ còn chưa đầy một nửa mà cũng không còn là tiền mặt nữa”.
Sự việc bắt đầu tư khi cơn sốt đất Ba Vì dâng cao hồi tháng 5. Khi đó, vì hám lợi chạy theo giới đầu cơ và những “cò” lớn tung tin lên ôm đất Ba Vì với hy vọng sẽ thu tiền tỷ sau vài tháng nên “cò” Khánh đã dốc hết vốn bao năm tích góp để mua gần 5 sào đất ngay tại thị xã Sơn Tây, khu vực giáp ranh với huyện Ba Vì.
Lãi đâu chả thấy, chỉ chưa đầy 1 tháng sau, 5 sào đất mà cò Khánh mua gần 5 tỷ đồng đã sụt giá còn 4 tỷ đồng, rồi 3 tỷ đồng và giờ đây, mai mối mãi mới có một doanh nghiệp ra giá với anh ta 2,2 tỷ đồng với điều kiện bên bán phải lo toàn bộ chi phí, thủ tục chuyển nhượng và hoàn tất sổ đỏ.
Nếm trái đắng đầu tiên sau bao nhiêu năm lặn lôn trên thị trường. Gần 3 tỷ đồng bỗng chốc tan biến chi trong vòng mấy tháng trời là một bài học mà cò Khánh sẽ không bao giờ quên trong nghiệp đất cát của mình.
Còn với “cò” Dương, một cộng tác viên đắc lực của Sàn giao dịch bất động sản Hacinco, ngoài trái đắng đất Ba Vì, cò này cũng đang ôm hai căn hộ chung tư, một của dự án ở Anh Khánh, một của Vân Canh. Số tiền đang đóng cho chủ đầu tư cũng ngót nghét 6 tỷ đồng, trong đó có hơn một nửa là tiền đi vay nhưng đến nay gần nửa năm trời vẫn chưa có khách hỏi mua để… cắt lỗ, chứ chưa nói đến chuyện kiếm lời.
Theo Dương, trong số những đồng nghiệp của anh ta thì số “mắc cạn” cũng không ít. Khá nhiều người trong nhóm của cò này đang dở mếu dở cười với một vài căn hộ chung cư với giá từ 3 - 5 tỷ đồng/căn từ cuối năm ngoái đến nay vẫn không bán được vì giá hơi cao mà lại đều ở xa trung tâm thành phố.
Ngoài việc vốn bị om do không bán được hàng, hiện Sàn Giao dịch Bất động sản do Dương đứng tên thành lập cũng đang nợ ngân hàng gần 3 tỷ đồng do sập bẫy của một cao thủ “cò”, có biên chế của một tổng công ty bất động sản của nhà nước.
Sự việc được bắt đầu vào tháng 6 năm 2009, khi đó do quá tin tưởng nên “cò” Dương đã nộp tiền đặt cọc để mua 3 căn hộ chung cư tại khu Trung Hòa - Nhân chính do giám đốc một văn phòng môi giới nhà đất thuộc tổng công ty trên đứng ra thu xếp.
Thế nhưng, đến nay sau hơn một năm nộp tiền đặt cọc, cao thủ kia đã không thể thực hiện được hợp đồng với khách hàng, trong đó có Dương. Vừa qua, sau khi nghe tin “cò” kia bị bắt, “cò” Dương hy vọng sẽ vớt vát được đôi chút để mong bòn góp trả nợ dần cho ngân hàng.
Theo Dương, chuyện “cò” sập bẫy “cò” là chuyện nhiều như cơm bữa trong giới dẫn dắt, môi giới nhà đất. Có những đồng nghiệp của Dương giờ đã trở thành kẻ trắng tay, về quê cấy lúa chỉ vì nhẹ dạ cả tin, mang cả chục tỷ đồng giao cho các “cò” đàn anh đàn chị để đầu tư đất cát.
Đua “kể tội” chính sách
Trong câu chuyện với các “cò” về viễn cảnh của nghiệp mối lái cũng như thị trường nhà đất thời gian tới, hầu hết đều lắc đầu vẻ ngao ngán. Lý do được các “cò” đưa ra tất cả là tại “ông nhà nước”.
Theo giải thích của các “cò”, việc Chính phủ ban hành Nghị định 71 đã như một gọng kìm khóa chặt mọi ngõ ngách, mánh lới làm ăn của họ.
“Trước đây, khách hàng tìm mua nhà, đất dự án họ chỉ cần một bản hợp đồng góp vốn là có thể yên tâm đầu tư. Nay nhà nước quy định tất cả phải có “hợp đồng kinh tế” đã khiến cho nhiều nhà đầu tư, chủ dự án đắn đo suy nghĩ, qua đó khiến thị trường bỗng nhiên khựng lại. Và tất nhiên là chúng tôi cũng bị vạ lây”, “Cò” Hưng bức xúc.
Không chỉ thế, theo “cò” Hưng, nếu như những năm trước, việc mối lái mua bán dễ hơn là do nhà nước chưa cấm các chủ đầu tư cấp 2 được phép chuyển nhượng dự án. Sau khi Nghị định 71 có hiệu lực, chỉ có chủ đầu tư cấp 1 mới được phép chuyển nhượng dự án, khách hàng muốn ký hợp đồng phải ký trực tiếp với chủ đầu tư cấp 1, đã khiến cho giới đầu cơ mất đường làm ăn. Thị trường qua đó cũng rơi vào trầm lắng hẳn.
Còn theo “cò” Khánh, chính việc Nghị định 71 cho phép các chủ đầu tư bán 20% sản phẩm không qua sàn cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ hội của các “cò”. Bởi lẽ, theo Khánh, dù là nêu ra 20% nhưng trên thực tế chủ đầu tư có bán đúng 20% hay không thì không ai giám sát được.
Hơn nữa, xu hướng hiện nay là các chủ đầu tư thường bán trọn cả block của một dự án với hàng chục căn hộ hay mảnh đất cho các sàn “đại gia” thì những văn phòng nhỏ lẻ như của “cò” Khánh sẽ khó mà có cơ hội chen chân vào.
Vanphucgia.vn - Theo Ndhmoney