Tin công ty

Dự án của người nghèo

05/10/2010

Dự án của người nghèo

Nhiều người đã nói như vậy khi đề cập dự án nâng cấp đô thị TP.HCM. Bởi mục tiêu của dự án nhắm đến cải tạo, nâng cấp hạ tầng các khu dân cư thu nhập thấp và giúp họ thoát nghèo.


Bà Triệu Lệ Hoa (bìa phải) với quán hủ tiếu được “nâng cấp” từ số tiền vay của quỹ quay vòng vốn - Ảnh: P.P.H.

Đã có hàng chục ngàn lượt hộ dân được vay vốn từ quỹ của dự án để làm ăn, sửa chữa nhà, nâng nền và hàng trăm ngàn người được hưởng lợi từ khi dự án triển khai vào năm 2004.

Quỹ giúp người nghèo

Ngồi bệt trên nền nhà mới, bà Lâm Thị Tốt (nhà số 336/43/22K Nguyễn Văn Luông, phường 12, quận 6) nói bà không nghĩ mình có được căn nhà mới như ngày hôm nay. Mọi chuyện thay đổi từ năm 2007, khi con hẻm được cải tạo bởi dự án nâng cấp đô thị TP. Con hẻm trước đó chỉ rộng tròm trèm 1m, được mở rộng gần 2m và nâng cao hơn. “Diện tích nhà tôi không lớn nhưng gia đình sẵn sàng lùi vào nửa mét để hiến đất mở hẻm. Hẻm khang trang, gia đình đã vay 15 triệu đồng từ quỹ quay vòng vốn của dự án để sửa chữa nhà” - bà Tốt kể.

Bà Dương Kim Duyên, cộng tác viên quỹ quay vòng vốn của dự án nâng cấp đô thị, cho hay chỉ riêng khu phố 2, phường 12, quận 6 có khoảng 300 hộ dân thì khoảng 100 hộ đã vay tiền sửa chữa, nâng cấp nhà, vay vốn làm ăn... từ quỹ này. Nhiều căn nhà trước đây lụp xụp, ngập ngụa nay được nâng cao nền, khang trang thấy rõ.

Bà Triệu Lệ Hoa (nhà số 336/44/11 Nguyễn Văn Luông) cũng đang vay 5 triệu đồng từ quỹ để “nâng cấp” xe hủ tiếu vỉa hè trên đường Lò Gốm. “Từ ngày nâng cấp quán, khách đến đông hơn, thu nhập cũng đỡ hơn. Tôi định trả xong sẽ vay tiếp để sắm bộ bàn ghế tốt hơn cho khách ngồi” - bà Hoa cho biết. Chỉ vay theo hình thức tín chấp, điều kiện, thủ tục vay dễ dàng nên quỹ vay vòng vốn được nhiều người tìm đến. Trong khi vay nóng bên ngoài, người dân phải chịu lãi suất lên đến 20%/tháng.

Khi thành lập, quỹ quay vòng vốn chỉ có 153 tỉ đồng. Một lãnh đạo ban quản lý dự án tâm sự: số hộ ảnh hưởng bởi dự án lớn trong khi nguồn quỹ khiêm tốn, đối tượng vay đa số là người nghèo, lại cho vay theo dạng tín chấp nên thời gian đầu những người quản lý quỹ rất lo lắng. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng quỹ này hoạt động không quá ba tháng là “đứt” luôn cả vốn lẫn lãi. Nhưng qua sáu năm hoạt động, số hộ nợ quá hạn không đáng kể.

Nhờ sự đồng thuận của dân


Ông Nguyễn Hoàng Nhân, giám đốc Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP, cho biết năm 2001 khi nhận nhiệm vụ quản lý dự án, ông vẫn chưa có kinh nghiệm về vấn đề này và cũng chưa hình dung rõ công việc tại dự án. Nhưng quá trình va chạm thực tế đã chỉ cho ông nhiều thứ.

Không bao lâu sau khi về dự án, ông phải bắt tay ngay vào việc triển khai giai đoạn 1 (hạng mục 1) là nâng cấp hạ tầng, hệ thống cấp thoát nước... ở 33 khu dân cư thu nhập thấp tại bốn quận 6, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân với khoảng 3.000 hộ dân ảnh hưởng. Để mở rộng các con hẻm phải vận động người dân hai bên hẻm hiến đất. Sáu tháng sau khi triển khai dự án, mới có 20 hộ dân đồng ý giải tỏa.

“Tôi đề ra nguyên tắc: phải có sự tham gia của cộng đồng, làm sao để người dân hiểu được ý nghĩa, lợi ích từ dự án mang lại. Muốn như vậy phải có sự tham gia của tổ dân phố, đoàn thể các cấp cùng vào cuộc để vận động người dân” - ông Nhân nhớ lại. Trên nguyên tắc đó, ông gặp lãnh đạo các quận liên quan để trình bày hoặc viết thư tâm tình để lãnh đạo quận chia sẻ. Cuối cùng ông cũng nhận được sự đồng thuận. Chỉ 14 tháng sau, gần 3.000 hộ dân đã đồng ý giải tỏa, phần lớn trong số đó là tự nguyện hiến đất để mở hẻm. Tất nhiên cũng có hộ phải mời lên mời xuống nhiều lần hoặc dùng sức ép của cộng đồng mới chịu đồng thuận.

Sau thành công của giai đoạn 1, dự án tiếp tục triển khai giai đoạn 2 tại 44 phường của 13 quận với số hộ dân ảnh hưởng gấp bốn lần của giai đoạn 1. Dù đã có kinh nghiệm, các cán bộ quản lý dự án tự tin hơn nhưng quá trình triển khai chưa phải đã suôn sẻ. Ban quản lý dự án đã có hàng trăm cuộc họp từ tổ dân phố đến quận để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Hiện nay khối lượng công việc của giai đoạn 2 đã hoàn thành hơn phân nửa và dự kiến hoàn tất vào năm tới.

Dự án nâng cấp đô thị là chỉnh trang khu dân cư thu nhập thấp nhưng lại hạn chế việc di dời, hạn chế ảnh hưởng đến dân. Do vậy kế hoạch mở rộng các con hẻm ra sao trước khi triển khai phải phổ biến đến từng tổ dân phố để nghe người dân thảo luận, đóng góp ý kiến, chỉnh sửa thiết kế sau đó mới chính thức triển khai. Chính điều này đã nhận được sự đồng thuận cao trong dân.

1,7 triệu dân được hưởng lợi

Dự án nâng cấp đô thị TP.HCM có tổng vốn đầu tư trên 500 triệu USD từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của TP.HCM. Dự án triển khai từ năm 2004 và theo kế hoạch, sẽ hoàn thành vào năm 2014. Khoảng 1,7 triệu dân được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ dự án.

Ông Lê Thanh Liêm - phó giám đốc Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP.HCM - cho biết theo điều tra ban đầu, có trên 100 khu dân cư lụp xụp thuộc phạm vi ảnh hưởng của dự án, chiếm khoảng 50% số khu dân cư lụp xụp tại các quận nội thành TP. Đến cuối năm 2014 khi dự án hoàn thành, số khu dân cư trên sẽ được cải thiện về hạ tầng, môi trường sống trong lành hơn...

Đến nay đã có 35.000 lượt hộ được vay từ quỹ quay vòng vốn của dự án với tổng số tiền vay khoảng 300 tỉ đồng; trên 3.500 hộ dân được gắn đồng hồ nước miễn phí; cải tạo, nâng cấp hàng trăm kilômet hẻm; dự án đã vận động người dân hiến đất giá trị tương đương 131 tỉ đồng...


Vanphucgia.vn - Theo Tuổi Trẻ

Copyright © 2012 VAN PHUC GIA INVESTMENT J.S.C. All rights reserved
Số 1 Trần Văn Khê, Phường 17, Quận Bình Thạnh, TP.HCM - Điện thoại : 35.268.650 - Fax : 38.469.618
Email : vanphucgiaJSC@vanphucgia.vn; website: www.vanphucgia.vn
Coppyrighted © 2012 Designed by VPG