05/01/2011
Chương trình nhà ở xã hội: Đang bước vào giai đoạn tăng tốc
Sau những nỗ lực của Bộ Xây dựng trong 2 năm (2009 – 2010), chương trình phát triển nhà ở xã hội (NOXH) đã đi vào cuộc sống.
Vào đầu năm 2011, sinh viên các trường đại học, công nhân các khu công nghiệp, những người thu nhập thấp (NTNT) đầu tiên ở các thành phố như Đà Nẵng, Huế, Hà Nội sẽ chính thức được thuê, mua nhà theo diện này.
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng (BXD), với hàng chục dự án NOXH trên cả nước đã khởi công trong năm 2010, chắc chắn cuối năm 2011, hàng chục nghìn gia đình nữa thuộc diện thu nhập thấp sẽ được mua nhà.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, nếu Quỹ tiết kiệm nhà ở được thành lập, chương trình phát triển NOXH chắc chắn sẽ về đích sớm.
Từ tái khởi động...
Có thể nói, chỉ đến khi được biết những NTNT đầu tiên sẽ được nhận những căn hộ NOXH mới toanh vào đầu năm 2011 và cạnh đó còn hàng chục dự án khác đã khởi công thì hàng triệu NTNT trên cả nước mới tin chắc ước mơ được sở hữu một căn hộ vừa với túi tiền của mình có thể trở thành hiện thực.
Ông Phạm Quang Tuyến, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Chính sách nhà ở và Thị trường bất động sản nhớ lại, Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua tháng 11/2005 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2006, tiếp đó Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, trong đó đã chỉ rõ, để phát triển NOXH, chính quyền các địa phương có trách nhiệm ban hành các cơ chế, chính sách phát triển nhà ở.
Phê duyệt và công bố quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển nhà ở, quỹ đất và địa điểm cụ thể dành để phát triển NOXH, bảo đảm sự gắn kết với các dự án đô thị mới, dự án nhà ở thương mại (NOTM) hoặc các khu kinh tế, khu công nghiệp, chế xuất..., kể cả hướng dẫn nguồn của Quỹ Phát triển nhà ở được trích từ 30 – 50% tiền sử dụng đất của các dự án phát triển NOTM, khu đô thị mới trên địa bàn.
Thế nhưng, cũng từ ngày Luật Nhà ở có hiệu lực tính đến khi BXD trình Chính phủ Chương trình phát triển NOXH vào cuối năm 2008, vẫn chưa một địa phương nào có một dự án xây NOXH cho NTNT.
Do đó, dư luận mới cho rằng, một trong những việc làm đáng kể nhất của BXD trong 2 năm qua (2009 – 2010) là đã đưa chương trình phát triển NOXH từ lý thuyết trở thành thực tiễn.
Đó là việc tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 18 và các Quyết định số 65, 66, 67 về các cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích phát triển nhà ở cho sinh viên (NOSV), công nhân khu công nghiệp và nhà ở cho NTNT ở đô thị (gọi chung là NOXH).
Khu chung cư nhà ở xã hội tại lô 19A khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) đã hoàn thành. Ảnh: Tuấn Anh
|
Ông Phạm Quang Tuyến cho rằng, việc BXD tham mưu Chính phủ ban hành cụ thể các cơ chế, chính sách và chỉ rõ các đối tượng phải thực hiện đã giải quyết được vấn đề cơ bản nhất, đó là quỹ đất.
Cụ thể là quy định các khu đô thị mới, dự án NOTM phải dành tối thiểu 20% quỹ đất trong dự án dành để xây NOXH. Tiếp đó là những cơ chế như chủ đầu tư xây nhà ở cho NTNT được miễn tiền sử dụng đất, thuê đất trong dự án, miễn thuế thu nhập trong 4 năm (kể từ khi có thu nhập chịu thuế); giảm 50% trong 5 năm tiếp theo và áp dụng mức thuế suất 10% trong suốt đời dự án.
Bên cạnh cơ chế của Chính phủ, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, BXD còn cam kết cung cấp miễn phí các thiết kế mẫu NOXH, công nghệ xây lắp, đơn giản hóa các quy trình cấp phép… Tất cả những cơ chế, chính sách trên có thể nói là bước đột phá về chính sách và hành động của Chính phủ.
... đến nỗ lực vượt chướng ngại vật
Nếu như Nghị quyết số 18 và các Quyết định 65, 66, 67 của Chính phủ là “đường băng”, thì có thể nói hàng loạt chuyến công tác khảo sát thực địa tại các tỉnh, liên tiếp các cuộc hội thảo trực tuyến ba miền Bắc – Trung – Nam trong 2 năm 2009 – 2010 được BXD tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, tháo gỡ khó khăn, giới thiệu công nghệ xây NOXH tiên tiến nhất… là lực đẩy để chương trình “cất cánh”.
Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của BXD, chương trình đã chuyển động.
Theo BXD, tính đến cuối năm 2010, do có nguồn vốn sẵn sàng (vốn trái phiếu của Chính phủ) nên các dự án NOSV đạt tiến độ nhanh nhất. Trong 194 dự án khởi công, chỉ với 18 tháng xây dựng, đã có 50% dự án hoàn thành, đáp ứng về chỗ ở cho hơn 100.000 sinh viên.
Vào niên học 2011, toàn bộ 94 dự án còn lại sẽ tiếp tục hoàn thành đáp ứng về chỗ ở cho hàng trăm nghìn sinh viên nữa. Theo chỉ đạo của Chính phủ, BXD đã trình kế hoạch xây dựng ký túc xá sinh viên giai đoạn 2011 -2015 với nguồn vốn lên tới 30.000 tỉ đồng.
Riêng đối với các dự án nhà ở công nhân và nhà ở cho NTNT, tiến độ xây dựng chậm hơn do dùng nguồn vốn xã hội và vốn doanh nghiệp theo phương thức xã hội hóa. Đặc biệt là năm 2010 phát sinh khó khăn từ việc ngân hàng siết chặt tiền tệ, lãi suất tăng cao cũng làm chậm lại tiến độ các dự án nhà cho công nhân và NTNT.
Tuy nhiên, BXD cho biết, sang năm 2011, các dự án nhà ở cho hai đối tượng này sẽ được tăng tốc do Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) đã bắt đầu giải ngân mạnh.
Theo đó, ngày 14/12 đã giải ngân 319 tỉ đồng cho Tổng Công ty Viglacera xây dựng nhà cho NTNT tại Khu đô thị Đặng Xá – Hà Nội; ngày 16/12, VDB giải ngân tiếp cho Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng Hải Phòng và tiếp tục xem xét giải ngân vào cuối tháng cho các dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ…
Ông Phạm Quang Tuyến, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản cho rằng: Sau mấy chục năm, vấn đề NOXH nay mới được khuấy động lên, được nói đến.
Và chỉ trong một thời gian rất ngắn, sau khi Chính phủ ban hành các Quyết định 65, 66, 67 tạo hành lang pháp lý thì các dự án đều được triển khai tốt. Kết quả ban đầu này rất đáng khích lệ, tạo tiền đề thuận lợi để chương trình phát triển NOXH triển khai mạnh hơn trong giai đoạn tới
Có thể nói, hai năm 2009 – 2010 là giai đoạn khởi động, còn từ năm 2011 đến 2015, chương trình sẽ bước vào giai đoạn tăng tốc.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Chương trình NOXH đang triển khai tốt
* Thưa Thứ trưởng, có ý kiến cho rằng, trước biến động về lãi suất và nguyên vật liệu, các dự án NOXH đang chững lại?
Trực tiếp theo dõi đôn đốc, điều hành, tôi đánh giá chương trình NOXH đang triển khai tốt chứ không phải chững lại. Riêng tại khu vực Hà Nội, các dự án thuộc diện này đều đang được triển khai rất tốt. Bằng chứng là các dự án NOSV với 194 dự án đăng ký và khởi công, mới qua một năm rưỡi đã hoàn thành 50% số dự án.
Tại khu vực Hà Nội, đang có 10 dự án NOSV, tôi vừa đi kiểm tra 2 dự án là khu nhà ở cho 11.000 sinh viên ở Pháp Vân và khu cho 22.000 sinh viên ở Mỹ Đình thì cả hai đều đang triển khai đúng tiến độ, chất lượng tốt, quy mô thiết kế đầy đủ hạ tầng kỹ thuật. Các dự án lẻ khác xây trong khuôn viên như Đại học Sư phạm, Ngoại thương, Nông nghiệp… hầu hết đang trong giai đoạn xây dựng và sẽ đưa vào khai thác năm 2011.
Về nhà ở cho NTNT, tại Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai xây 10.000 căn. Tại Hà Nội, chương trình dự kiến xây dựng 15.000 căn trong giai đoạn 2011 - 2015 thì đến nay, số lượng các dự án đăng ký và khởi công đã đạt 25.000 căn.
Sắp tới sẽ có hàng chục căn nhà cho NTNT hoàn thành ở Hà Nội nên trong năm 2011 chắc chắn hàng nghìn hộ gia đình NTNT sẽ tiếp tục được đăng ký mua nhà theo quy định. Nhà ở công nhân (CN) đã có ví dụ điển hình tại khu vực Kim Chung – Đông Anh cho CN khu vực Bắc Thăng Long. Hiện CN khu vực này có điều kiện ăn ở an toàn, mức giá thuê phù hợp…
* Người thu nhập thấp vẫn băn khoăn về giá nhà và khả năng mua nhà thu nhập thấp. Bộ Xây dựng có giải pháp gì cho những quan ngại của NTTN không, thưa ông?
Tôi hiểu có 2 vấn đề mà NTNT đang rất quan tâm là giá nhà vẫn cao so với thu nhập và khả năng mua nhà của NTNT.
Thứ nhất về giá nhà, cuối năm 2010 có một số biến động về giá cả đầu vào như lãi suất tăng cao, giá sắt thép tăng... Nhưng tính ra, trong chi phí đầu vào của căn hộ thì tiền đất là lớn nhất và khoản này thì Chính phủ đã miễn không thu tiền đất nên doanh nghiệp không thể tính trong giá thành.
Còn vật liệu xây dựng chỉ chiếm 20% giá trị công trình nhưng chỉ có giá sắt thép biến động, còn xi măng, sứ vệ sinh…, giá vẫn ổn định.
Thậm chí, Viglacera còn có bộ sản phẩm dành cho xây NOXH với giá rẻ, chất lượng tốt. Vì thế, tôi tin giá NOXH sẽ đảm bảo giữ ở mức 8 - 10 triệu đồng/m2, NTNT cố gắng dành dụm, vay mượn thêm có thể mua được. Mặt khác, BXD đang khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục hạ giá thành bằng việc khuyến khích áp dụng công nghệ xây lắp mới.
Thứ hai là khả năng mua nhà của NTNT. Giải quyết vấn đề này, BXD đang nghiên cứu giải pháp góp quỹ tiết kiệm nhà ở. Mô hình quỹ này ở các nước phát triển và một số nước châu Á như Hàn Quốc, Xinhgapo… đã vận hành tốt, rất có hiệu quả.
Đây là hướng xã hội hóa, lấy số đông giúp số ít, người thu nhập khá giúp NTNT. Ban chỉ đạo TW về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản đã đi một số nước nghiên cứu cách thức hoạt động của quỹ này để đề xuất với Chính phủ.
Đây là con đường tất yếu để chúng ta phát triển nhà cho NTNT. Sớm hay muộn chắc chắn quỹ này cũng phải hình thành tại Việt Nam vì đây là vấn đề khả thi, rất phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Quỹ này không hạn chế đối tượng là chỉ những người hưởng lương ngân sách mà cả người nghèo đô thị, tất cả những ai muốn tham gia đóng góp để có quyền lợi và khả năng mua nhà.
Mục đích của việc thành lập quỹ này là nhằm tạo ra nguồn vốn cho doanh nghiệp xây nhà vay. Những người tham gia góp quỹ, sau một số năm được quyền vay theo lãi suất ưu đãi chỉ bằng 1/5 so với lãi suất thị trường để mua nhà.
Dự kiến, với hơn 9 triệu người lao động hưởng lương, chưa tính NTNT đô thị sẽ tham gia thì nguồn quỹ sẽ lên tới hàng trăm nghìn tỉ đồng, giải quyết tốt vấn đề vốn cho cả chủ đầu tư và người có nhu cầu mua nhà.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Vanphucgia.vn - Theo Tin Tức